Hiện nay đang là mùa đông xuân, thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường, tập trung đông người tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh như cúm mùa, sốt xuất huyết lây lan và phát triển mạnh. Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, sốt xuất huyết cho trẻ. Phụ huynh cần lưu ý:
BỆNH CÚM MÙA
Bệnh Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Bệnh Cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém. Đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
1. Biểu hiện của bệnh cúm mùa
Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh. Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh cúm và cảm lạnh do triệu chứng cúm và cảm lạnh tương đồng với nhau. Ngoài các dấu hiệu nhận biết bệnh cúm là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh cúm còn có các dấu hiệu cảnh báo như sau:
- Sốt vừa đến sốt cao (trên 38 độ C)
- Cảm giác ớn lạnh
- Đau đầu, chóng mặt
- Đau nhức cơ bắp
- Mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực
- Buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn)
Thời gian ủ bệnh cúm thường kéo dài trong khoảng 2 ngày. Sau khoảng 5 ngày triệu chứng sốt và các triệu chứng khác sẽ biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ hết trong vòng một hoặc 2 tuần.
2. Cách phòng chống bệnh cúm mùa ở trẻ nhỏ
- Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra ngoài, khi tiếp xúc với người khác, nhất là người bệnh nghi nhiễm cúm.
- Tăng cường rửa tay; Vệ sinh hô hấp.
- Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.
- Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm.
BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây thành dịch lớn làm nhiều người mắc cùng lúc, gây khó khăn cho việc chăm sóc và điều trị, giảm sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu đến muộn có thể dẫn đến sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, tay tê liệt, hôn mê dẫn đến tử vong cao, đặc biệt là trẻ em.
1. Biểu hiện của bệnh
Bệnh thường có các dấu hiệu sau:
- Thể nhẹ: sốt cao đột ngột trên 38 độ C, kéo dài trong 2 - 7 ngày, khó hạ sốt (kể cả dùng thuốc), đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban, không kèm theo ho, sổ mũi.
- Thể nặng bao gồm các dấu hiệu trên và kèm theo:
+ Dấu hiệu xuất huyết: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen.
+ Dấu hiệu sốc: Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng
2. Cách phòng chống bệnh SXH
- Dùng thuốc xịt muỗi, nhang diệt muỗi, vợt muỗi bằng điện…
- Thoa kem chống muỗi đốt, mặc quần áo dài tay đối với trẻ em, ngủ màn kể cả ban ngày…
- Sắp xếp quần áo, đồ vật trong nhà gọn gàng, ngăn nắp.
- Thường xuyên cọ, súc rửa những đồ dùng có thể đựng nước… ,dùng bàn chà chà sát để loại bỏ trứng muỗi bám vào thành dụng cụ. Đậy nắp hoặc úp khô không cho muỗi vào đẻ trứng. Đối với những dụng cụ chứa nước lớn không thể xúc rửa hoặc đậy nắp được ta có thể thả cá diệt lăng quăng, bọ gậy.
- Loại trừ ổ bọ gậy bằng cách phá hủy hoặc loại bỏ những ổ nước tự nhiên hay nhân tạo trong và xung quanh nơi ở.
+ Thu dọn rác (chai, lọ, bát , lu vỡ, vở hộp nhựa, lốp xe hỏng, vỏ gáo dừa…)
+ Lấp các hốc cây bằng xi măng, cát, sửa chữa các máng nước bị hỏng, khơi thông cống rãnh bị tắc nghẽn.
+ Dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà sạch sẽ.
Trường Mầm non Thạch Khôi - Thành phố Hải Dương chia sẻ đến các bậc phụ huynh một số điều cần biết về bệnh cúm mùa, sốt xuất huyết để cùng phòng tránh cho trẻ.